Để giúp cả bố mẹ và các bé có giấc ngủ ngon mỗi khi mùa đông về thì bố mẹ nên tham khảo những gợi ý cực hay dưới đây để chăm sóc giấc ngủ cho bé vào màu đông nhé.
1. Điều chỉnh nhiệt độ phòng
Giữ phòng ở nhiệt độ phù hợp là yếu tố giúp bé giữ gìn sức khỏe và ngủ ngon vào ban đêm. Bạn cũng có thể dùng máy sưởi để giúp căn phòng trở nên ấm cúng hơn nhưng phải cẩn thận vì bé rất dễ bị bỏng và có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Để an toàn, bạn nên để lò sưởi xa nôi/ cũi của bé khoảng 1 mét. Ngoài ra, hãy giữ cho khu vực xung quanh máy sưởi được gọn gàng, cách xa đồ chơi hay quần áo cũng như các vật dễ cháy khác.
2. Đặt cũi cho bé ở ví trí hợp lý
Bạn hãy chú ý đặt cũi tránh xa cửa sổ và cửa ra vào cũng như khu vực lỗ thông hơi hay quạt gió. Những khu vực đó có thể làm trẻ cảm thấy quá lạnh hoặc quá nóng.
3. Chọn vải lót đệm là loại vải giữ nhiệt và thấm nước
Những tấm lót đệm sẽ tạo ra một lớp cách nhiệt bên dưới giúp giữ ấm cho bé. Lớp lót này cũng có chức năng như màng ngăn chống nước tiểu hay sữa của trẻ ngấm vào đệm.
4. Làm ấm nôi/cũi trước khi đặt bé nằm
Bạn có thể làm ấm giường cũi em bé bằng những chai nước ấm hoặc những tấm sưởi. Hãy đặt các dụng cụ đó dưới đệm, chăn và nhớ không để chúng quá nóng vì da của bé rất dạy cảm và dễ bị bỏng. Và bạn cũng đừng quên bỏ chúng ra trước khi đặt bé vào cũi.
5. Mát-xa hoặc cho bé uống sữa ấm trước khi ngủ
Mát-xa nhẹ nhàng khắp cơ thể bé trước khi cho bé đi ngủ sẽ giúp tăng tuần hoàn máu, nhờ đó làm ấm cơ thể bé. Mẹ có thể đắp chăn và đi tất chân cho bé để giữ nhiệt, giúp bé có giấc ngủ thật sâu và ấm áp. Hoặc uống một chút sữa ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp bé ngon giấc và giữ ấm toàn thân. Vào mùa đông, thỉnh thoảng mẹ nên cho bé uống nước ấm để giữ cơ thể bé luôn ấm áp.
6. Quấn tã cho bé
Quấn tã vừa khít quanh người sẽ giúp con được giữ ấm. Điều này cũng giúp trẻ cảm thấy an toàn và ít bị giật mình. Tuy vậy, biện pháp này thường gây cảm giác bí bách khó chịu đối với các bé lớn hơn 1 tuổi.
7. Lựa chọn quần áo
Trong ngày lạnh, phù hợp nhất là cho bé mặc bộ quần áo liền (loại dành cho bé sơ sinh); thay vì, mặc cho bé một áo khoác quá dày hoặc chồng áo nọ lên áo kia. Bên ngoài, có thể quấn con bằng chăn ấm. Kiểu mặc chồng áo nọ lên áo kia chỉ thích hợp cho những ngày cực kỳ buốt giá.
Nếu phải đưa con ra ngoài trời, cần lưu ý giữ ấm chân, tay, đầu và quấn 2 chiếc chăn cho bé. Vào mùa đông, nhiệt độ trong phòng – ngoài trời hoặc trong ôtô–ngoài phố có sự chênh lệch rất lớn. Do đó, việc mặc thêm hoặc nới lỏng quần áo cho bé cần linh hoạt.
8. Giữ ấm phần tay chân, bụng của bé
Các mẹ hãy nhớ đeo bao tay và bao chân cho trẻ, đây là cách tốt nhất để giữ ấm những ngón tay/chân nhỏ xinh của bé yêu.
Giữ ấm bụng cho bé trong ngày lạnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ dạ dày. Bởi nếu bị lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Trong thời tiết lạnh với nhiệt độ thấp, bụng được giữ ấm, dạ dày hoạt động bình thường sẽ giúp bé tăng cường tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
Để luôn giữ ấm bụng của bé, mẹ nên cho bé mặc kiểu áo giống tạp dề hoặc quấn một lớp khăn mỏng quanh vùng bụng rồi mới mặc quần áo ra ngoài. Khi bé ngủ, mẹ vẫn có thể quấn khăn để đề phòng bé đạp chăn sẽ bị hở bụng. Nếu có thể chị em nên mua bộ áo liền quần cho bé mặc lúc ngủ, đảm bảo bụng bé sẽ luôn được ủ ấm.
9. Dùng túi ngủ
Nếu cha mẹ lo lắng con sẽ đạp chăn trong lúc ngủ thì nên chọn cho con một chiếc túi ngủ. Túi ngủ vừa giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, vừa giúp bé không đạp chăn ra ngoài. Tuy nhiên mẹ cần chu ý lựa chọn loại cũng như độ dày và độ vừa của túi. Nên chọn loại được thiết kế có 3 lỗ với 1 ở phía trên đầu và lỗ ở hai chân hoặc hai tay, tránh chất liệu có những lợi lông nhỏ có thể khiến bé hít phải gây ho và ảnh hưởng sức khỏe.
10. Không nên đội mũ ấm đi ngủ
Đối với trẻ nhỏ, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.