Cách sử dụng các loại ghế cho bé Thứ tư, 24/12/2014, 08:55 GMT+7 Với cuộc sống ngày càng hiện đại, vì vậy mà quá trình phát triển của bé cũng được bố mẹ quan tâm hơn, chú ý nhiều hơn, chăm lo đầy đủ hơn. Dưới đây là hướng dẫn sử dụng các loại ghế ngồi cho bé: ghế ngồi xe hơi, ghế ngồi xe máy, ghế ăn cho bé, ghế rung. Việc sử dụng ghế ngồi hơi dành riêng cho trẻ là đặc biệt cần thiết khi bạn di chuyển cùng bé. Rất nhiều ca trẻ bị thương tích nặng, thậm chí tử vong khi xảy ra tai nạn giao thông do trẻ không được ngồi trong ghế ngồi ô tô dành riêng cho trẻ con. Sử dụng vật dụng này làm sao cho đúng? Các nhà thiết kế khuyên bạn: - Không nên để trẻ ngồi một mình trên ghế mà không có người quan sát vì bé có thể vô tình làm mình bị thương. - Trước mỗi chuyến đi, hãy đảm bảo rằng ghế cho trẻ đã được cố định chắc chắn.
- Hãy rút ngắn dây an toàn cho vừa với trẻ nếu dây quá rộng. Nếu như dây an toàn vẫn lỏng lẻo thì bạn có thể lót thêm đệm cho bé để giúp bé ngồi chắc chắn hơn. - Cần thiết sử dụng ghế ngồi xe hơi cho trẻ từ sơ sinh đến 12 tuổi. Những bé lớn hơn cần được thắt dây an toàn. - Dặn trẻ không hò hét trên xe khiến tài xế bị phân tâm. - Chỉ người lớn mới được phép tháo dây an toàn cho bé và cũng không nên dạy bé cách tự tháo dây an toàn. - Nếu trẻ tự tháo dây an toàn thì hãy dừng xe và thắt lại dây an toàn cho trẻ. - Không để các vật lớn và nặng trên xe gần chỗ trẻ ngồi, đặc biệt là ở ghế sau hoặc kệ để đồ vì chúng có thể xô về phía trước gây chấn thương cho trẻ cũng như người ngồi trên xe nếu xảy ra tai nạn. Những thứ lớn và nặng nên cho vào cốp xe. - Đặc biệt lưu ý, chỗ an toàn nhất để đặt ghế cho bé là đằng sau ghế lái. Ở một số nước phương Tây, để con ngồi ghế phụ (bên cạnh ghế lái) còn bị phạt nặng. 2/ Ghế ngồi xe máy: Nếu như bạn phải di chuyển cùng với con bằng xe máy thì cách tốt nhất là cho bé vào ngồi trong chiếc ghế chuyên dụng. Tuy nhiên, hãy nhớ những nguyên tắc sau: - Ghế ngồi xe máy không dành cho những cha mẹ không vững tay lái. Do ghế được đặt lên chỗ để chân nên hai chân không khép được, rất dễ vướng khi đi, nhất là khi cần xử lý các tình huống bất ngờ trên đường. Bạn có thể tính toán dùng các loại địu an toàn thay cho ghế ngồi.
- Đừng quên thắt dây an toàn cho con. - Có thể đặt thêm một cái gối bông hoặc thú bông đặt vào trước ngực bé giúp bé ngồi chắc chắn hơn, phòng trường hợp xe phanh đột ngột khiến bé bị va đập về trước. Đây cũng là những đồ vật thu hút sự chú ý của bé, khiến bé không cựa quậy, đứng lên... khi đang đi trên đường. - Chỉ nên cho bé ngồi ghế khi bé đã ngồi vững, lưng bé đủ cứng cáp, thông thường là bé trên 1 tuổi. - Dù có ghế vẫn nên chạy xe chậm khi chở bé. Không ít ông bố bà mẹ trùm khăn trùm lên đầu để tránh bụi cho em bé, việc chạy nhanh có thể khiến cho em bé bị ngạt thở. - Khi không sử dụng nên xếp gọn ghế lại và cất ghế vào trong nhà, tránh mưa nắng ảnh hưởng đến độ an toàn của ghế. 3/ Ghế ăn cho bé: Sử dụng ghế ăn nhằm rèn cho bé có sự nghiêm túc trong bữa ăn, cũng như tránh hiện tượng "ăn rong". Tuy nhiên, bạn đã sử dụng đúng vật dụng hữu ích này? - Đặt ghế ăn của bé xa những bức tường, bàn ghế... Bé có thể đẩy chân của mình vào tường và ngã ngửa ra sau nếu để ghế quá gần. Ngoài ra, để ghế ngồi của bé gần một chiếc bàn hoặc ghế... thì bé có thể quờ chân khiến bàn ghế đổ vào người. - Sử dụng tất cả các dây đai an toàn mọi lúc: Đó là điều bắt buộc. Bạn cũng nên biết một chiếc ghế ăn trẻ em an toàn và lý tưởng nên có đai an toàn 5 điểm sẽ tốt hơn thay vì chỉ có 3 điểm như những loại khác. - Kiểm tra xem ghế đã chắc chắn chưa: Trước khi bạn đặt con mình vào một chiếc ghế thì cần chắc chắn rằng nó đã được mở chắc chắn, các chốt điều chỉnh đã được khóa cẩn thận nếu không muốn con bị ngã ngữa hoặc lộn cổ về phía trước. - Chỉ duy nhất một bé ngồi trong ghế: Khi bé đang ngồi trong ghế ăn thì không để bé khác leo trèo lên ghế. Trọng lượng phụ có thể làm ghế đổ ngã bất ngờ. - Bạn nên chắc chắn rằng khi điều chỉnh khay ăn hay các mức ngả của ghế thì tay bé không bị kẹt giữa các khe hở. Bé có thể bị kẹp tay bất cứ lúc nào. - Không bao giờ để con bạn ngồi trong ghế ăn mà không có sự giám sát của người lớn. Bé có thể bị té ngã khi cố gắng đứng lên hoặc leo ra khỏi ghế. 4/ Ghế rung: Đây là vật dụng được rất nhiều bà mẹ mua dùng cho con như một cách ru con ngủ nhanh nhất, đỡ tốn công sức và tránh trường hợp trẻ "bện hơi" mẹ. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng: - Với các bé chưa biết lẫy, sử dụng ghế rung khá an toàn. Nhưng khi bé biết lẫy, bò, ngồi thì bé khả năng bé lật ngay trên ghế và ngã xuống đất là rất cao. Vì vậy, tầm tuổi này, cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng ghế rung, nếu sử dụng phải có sự giám sát của người lớn. - Không nên để bé nằm quá lâu trên ghế vì bé sẽ mỏi, bí hơi. - Ghế rung bắt buộc phải được đặt lên sàn nhà, tuyệt đối không đặt ở vị trí cao như giường hoặc bàn. Thậm chí, ghế rung còn nên đặt ở mặt phẳng cứng. Lý do là trẻ có thể bị chết ngạt trên giường đệm hoặc ghế mềm nếu ghế rung được đặt lên những vị trí này và bị đổ. - Nguy hiểm có thể đến từ những thứ đồ chơi gắn ở ghế rung. Những đồ chơi này nếu không được gắn chặt có thể bị bé bứt ra và cho vào miệng gây ngạt thở... Vì thế, hãy kiểm tra kĩ trước khi cho con bạn sử dụng. - Bạn cũng nên lưu ý những chiếc pin của ghế rung: pin cho bộ phận rung và hoạt động trò chơi. Nếu không cẩn thận, khi tiếp xúc với những cục pin này, có thể trẻ sẽ nuốt gây ngạt thở. Trong trường hợp pin to thì chất axit trong những cục pin cũng có thể bị rò rỉ, gây bỏng khoang miệng và thực quản của trẻ. Người viết : admin
|
Copyright © 2013 |